HỘ KINH DOANH Ở VIỆT NAM
Ở một quốc gia như Việt Nam, mô hình hộ kinh doanh (HKD) ngày càng trở nên phổ biến hơn. Liệu mô hình có phải là một loại hình Doanh nghiệp hay không? Đặc điểm như thế nào? Ngoài ra các thủ tục có liên quan đến đăng ký kinh doanh gồm những gì? Việc nắm rõ các đặc điểm pháp lý sẽ giúp các cá nhân, nhóm cá nhân tổ chức hoạt động kinh doanh của mình đúng luật và thuận lợi hơn.
Vậy Hộ kinh doanh là gì? Ai là người được phép thành lập?
Tại khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP có quy định: “Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh”.
Người được thành lập HKD là các cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự có quyền thành lập hộ kinh doanh. Trừ các trường hợp sau đây:
- Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Đặc điểm pháp lý
Hộ kinh doanh thường do một cá nhân, một nhóm người hoặc một hộ gia đình làm chủ:
- Đối với HKD do một cá nhân làm chủ thì hộ kinh doanh thuộc sở hữu của một chủ là cá nhân và cá nhân đó có toàn quyền quyết định hoạt động kinh doanh của HKD.
- Đối với HKD do một nhóm người hoặc hộ gia đình làm chủ thì thuộc sở hữu của nhiều chủ. Hoạt động kinh doanh sẽ do các thành viên trong nhóm hoặc các thành viên trong hộ gia đình quyết định. Nhóm người hoặc hộ gia đình cần cử ra một người đại diện cho nhóm hoặc cho hộ để tham gia giao dịch với bên ngoài.
HKD có một địa điểm kinh doanh, sử dụng không quá 10 lao động. Nếu HKD do một nhóm người làm chủ thì tất cả các thành viên phải liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về mọi khoản nợ của hộ kinh doanh đó. Tương tự nếu HKD do một hộ gia đình làm chủ thì tất cả các thành viên trong hộ phải liên đới chịu trách nhiệm. Khi tài sản chung không đủ để trả nợ thì các thành viên của hộ gia đình phải lấy cả tài sản riêng của mình để trả nợ và phải trả cho các thành viên khác của hộ gia đình.
Thủ tục thành lập hộ kinh doanh cá thể
>>Tham khảo thêm: Thủ tục thành lập mới doanh nghiệp
Dựa theo Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 về đăng ký doanh nghiệp. Hồ sơ thành lập HKD bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh. Nội dung Giấy đề nghị đăng ký bao gồm:
- Tên, địa điểm kinh doanh; số điện thoại, thư điện tử (nếu có);
- Ngành, nghề kinh doanh;
- Số vốn kinh doanh;
- Số lao động;
- Bản sao CMND của các cá nhân tham gia HKD hoặc người đại diện hộ gia đình
- Biên bản họp về việc thành lập HKS (trường hợp do một nhóm cá nhân thành lập).
- Hợp đồng thuê nhà hoặc mượn nhà giữa chủ nhà và chủ hộ kinh doanh. (ký trực tiếp, không thông qua trung gian)
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sao y chứng thực).
- 02 bản sao y công chứng CMND/CCCD của chủ hộ và các thành viên góp vốn.
- Các chứng chỉ bằng cấp đối với ngành nghề có điều kiện (sao y công chứng).